Giáo Dục Phần Lan Dạy Để Làm Gì Ở Việt Nam

Giáo Dục Phần Lan Dạy Để Làm Gì Ở Việt Nam

5 "giáo viên của Năm", đại diện cho 4 bang của nước Mỹ là Montana, Indiana, Nebraska, Colorado và 1 đại diện của hệ thống các trường quân sự, đã dành 3 tuần ở Phần Lan – nơi mà họ đã tới thăm ĐH Helsinki và Cơ quan Giáo dục quốc gia nước này.

5 "giáo viên của Năm", đại diện cho 4 bang của nước Mỹ là Montana, Indiana, Nebraska, Colorado và 1 đại diện của hệ thống các trường quân sự, đã dành 3 tuần ở Phần Lan – nơi mà họ đã tới thăm ĐH Helsinki và Cơ quan Giáo dục quốc gia nước này.

(Hình ảnh tiệc sinh nhật mừng 12 năm thành lập công ty)

Phần Lan là một quốc gia có những nghịch lý kỳ lạ ở nhiều khía cạnh, trong đó có giáo dục.

Là cái nôi của công nghiệp viễn thông và là một trong những nước có tỉ lệ sử dụng điện thoại di động cao nhất, Phần Lan cũng được biết đến với những người dân hướng nội, ít nói. Tránh “chuyện phiếm” là một đặc trưng văn hóa nổi tiếng của người Phần Lan. Các tầng lớp xã hội khác ở Phần Lan cũng yêu thích thứ chủ nghĩa tối giản này. Trong kinh doanh, chính trị và ngoại giao, người Phần Lan thích nói chuyện thẳng thắn và dựa trên thủ tục đơn giản. Họ muốn giải quyết vấn đề chứ không phải trình bày vấn đề. Những phát minh và cải tiến sáng tạo ở Phần Lan thường cũng dựa trên những ý tưởng đơn giản nhưng làm nên một khác biệt lớn. Vậy có lẽ không có gì ngạc nhiên khi những nguyên tắc và giá trị này được cố kết vào giáo dục Phần Lan. Một trong những giá trị giáo dục của Phần Lan là đặt việc dạy và học lên cao hơn hết thảy những vấn đề khác khi cân nhắc các chính sách và cải cách giáo dục. Trên hết, người Phần Lan dường như không tin rằng làm đi làm lại một thứ trong giáo dục sẽ tạo ra bất cứ khác biệt đáng kể nào để cải thiện.

Các nhà giáo dục Phần Lan không tin rằng giao nhiều bài tập về nhà hơn thì sẽ giúp học sinh học tốt hơn, nhất là nếu đó là những bài tập bình thường và không thách thức về mặt trí tuệ. Nguồn: thisisfinland.org

Kinh nghiệm của Phần Lan thách thức logic thông thường trong tư duy cải cách giáo dục vốn vẫn thường tìm cách khắc phục thực trạng học hành chưa được như kỳ vọng của học sinh bằng cách tăng thời gian dạy học, thời lượng giảng dạy và khối lượng bài tập về nhà cho các em. Ví dụ, khi học sinh học môn toán chưa được đầy đủ, một giải pháp phổ biến sẽ là sửa đổi chương trình môn này để tăng thời lượng học trên lớp và lượng bài tập về nhà. Trong hầu hết các hệ thống giáo dục, điều này cũng đòi hỏi nhiều thời gian lên lớp đối với giáo viên hơn.

Trên thực tế, dường như có rất ít mối tương quan giữa số giờ dạy dự kiến trong giáo dục công lập với kết quả học tập của học sinh, theo đánh giá của PISA. Điều thú vị là, ở các quốc gia có kết quả cao, thời lượng dạy học chính thức không hẳn là động lực thúc đẩy việc học của học sinh (ví dụ: Phần Lan và Estonia), trong khi những quốc gia có thành tích học tập thấp hơn nhiều (ví dụ: Mỹ, Israel và Mexico) lại yêu cầu thời lượng dạy học chính thức nhiều hơn đáng kể cho học sinh của họ. Nếu những khác biệt này được chuyển thành số năm học, thì học sinh Úc 15 tuổi chẳng hạn đã đi học nhiều hơn gần năm năm so với học sinh Phần Lan cùng tuổi. Hơn nữa, tại Phần Lan, trẻ em bắt đầu đi học tiểu học khi lên bảy tuổi, trong khi nhiều trẻ em Úc bắt đầu đi học từ lúc năm tuổi (OECD, 2019a). Những thống kê này không cho biết bất kỳ điều gì về lượng thời gian học sinh dành cho việc phụ đạo riêng hay học thêm ngoài giờ học chính thức – thông lệ phổ biến ở hầu hết các hệ thống trường học có kết quả cao ở Đông Á. Nhìn chung, thời gian học sinh dành cho việc học trong và ngoài nhà trường tại Phần Lan ít hơn nhiều so với các quốc gia khác. Các trường học ở Phần Lan dường như làm theo ý tưởng của Sugata Mitra về “xâm lấn tối thiểu trong giáo dục”[1], với đề xuất rằng học sinh có thể tự học trong những môi trường không có giám sát và có thể học bằng cách giúp đỡ lẫn nhau.

Với ngày học ở trường ở Phần Lan ngắn hơn ở nhiều nước khác, học sinh làm gì sau khi tan học? Về nguyên tắc, học sinh được tự do về nhà vào buổi chiều trừ khi được giao làm gì đó ở trường. Trường tiểu học được yêu cầu tổ chức các hoạt động sau giờ học cho các em học sinh nhỏ tuổi nhất và được khuyến khích thành lập câu lạc bộ giáo dục hoặc giải trí cho các em lớn tuổi hơn. Hai phần ba số trẻ em độ tuổi 10–14 và hơn một nửa số em trong độ tuổi 15-19 tham gia ít nhất một hiệp hội người trẻ hay hiệp hội thể thao.

Một cách khác để minh họa nghịch lý lượng-chất là phân tích xem giáo viên trên khắp các quốc gia sử dụng thời gian làm việc của họ như thế nào. Một lần nữa, sự khác biệt giữa các quốc gia là rất đáng kể. Theo OECD (2019d), ở các trường trung học cơ sở và tiểu học, trung bình hằng năm giáo viên Phần Lan dạy lần lượt khoảng 614 giờ và 677 giờ (tức lần lượt là 830 và 900 tiết học kéo dài 45 phút). Con số này tương đương với khoảng bốn tiết một ngày.

Trẻ em Phần Lan được vui chơi nhiều hơn ở trong và ngoài nhà trường so với trẻ em ở các nước khác vì người Phần Lan tin rằng trẻ em chơi càng nhiều thì càng học được nhiều. Nguồn: thisisfinland.org

Ở đây tôi sử dụng một nguồn dữ liệu khác đối với Mỹ, bởi vì dữ liệu OECD cho nước này đã được ghi nhận là phóng đại đáng kể. Dựa trên phân tích chi tiết của Sam Abrams, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Chi phí-Lợi ích của Giáo dục tại Đại học Columbia của Mỹ, tổng thời gian giảng dạy trung bình hằng năm ở các trường tiểu học và trung học cơ sở lần lượt là 865 giờ và 770 giờ, tương đương lần lượt với 5,5 và 4,9 tiết mỗi ngày hoặc các hình thức giảng dạy khác kéo dài 50 phút (Abrams, 2015). Giáo viên Canada (con số khác nhau giữa các tỉnh) dạy xấp xỉ 800 giờ ở trường tiểu học và 750 giờ ở trường trung học cơ sở mỗi năm.

Một ngày điển hình ở trường trung học phổ thông Phần Lan khác với ở Mỹ như thế nào? Trước tiên, giáo viên Mỹ dành gần gấp đôi thời gian dạy và làm việc với học sinh mỗi tuần so với đồng nghiệp Phần Lan của họ. Dạy sáu tiếng (hay bốn ca học) mỗi ngày là một công việc nặng nhọc khiến nhiều giáo viên quá mệt mỏi, không thể tham gia vào bất cứ hoạt động gì mang tính chuyên nghiệp khi họ dạy xong. Công việc của giáo viên Mỹ do đó được định nghĩa chủ yếu là dạy bên trong và bên ngoài lớp học. Tại một trường trung học điển hình ở Phần Lan, trái lại, giáo viên dạy trung bình bốn tiếng một ngày. Tuy giáo viên được trả công theo số tiết dạy, song họ cũng có thời gian mỗi ngày để soạn bài, học tập, và kiểm điểm việc dạy của mình với các giáo viên khác.

Giáo viên ở các trường học Phần Lan có nhiều trách nhiệm khác bên cạnh việc dạy: đánh giá thành tích và tiến bộ chung của học sinh mình dạy, soạn và liên tục phát triển chương trình giảng dạy của mình tại trường, tham gia một vài sáng kiến sức khỏe và phúc lợi trường học liên quan đến học sinh của mình, và bổ túc thêm cho những học sinh có thể cần giúp đỡ thêm. Nhiều trường học Phần Lan, nhờ vào định nghĩa độc đáo về công việc của giáo viên và bản chất của nhà trường, là những cộng đồng học tập chuyên nghiệp.

Các nhà giáo dục Phần Lan không tin rằng cứ giao nhiều bài tập về nhà hơn thì kiểu gì cũng giúp học sinh học tốt hơn, nhất là nếu đó là những bài tập bình thường và không thách thức về mặt trí tuệ, mà thật không may bài tập trường giao về nhà thường là những dạng bài này.

Theo một số cuộc điều tra quốc gia và nghiên cứu quốc tế, học sinh tiểu học và trung học cơ sở Phần Lan có khối lượng bài tập về nhà ít nhất. Tờ Wall Street Journal cho biết học sinh Phần Lan hiếm khi phải làm hơn nửa tiếng đồng hồ bài tập về nhà mỗi ngày (Gameran, 2008). Dữ liệu từ các cuộc khảo sát PISA gần đây cho thấy học sinh 15 tuổi tại Phần Lan dành ít hơn ba giờ mỗi tuần để làm bài tập về nhà (OECD, 2019a).

Đúng là nhiều học sinh tiểu học và trung học cơ sở có thể hoàn thành hầu hết các bài tập về nhà ngay tại trường, trước khi tan học. Theo OECD, học sinh Phần Lan 15 tuổi không học gia sư hoặc học thêm ngoài những gì được dạy trên trường (OECD, 2019b). Nhìn từ góc độ này, thành tích cao của học sinh Phần Lan trong các bài kiểm tra quốc tế thật đáng kinh ngạc. Ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Thượng Hải, Trung Quốc, những nơi có kết quả bằng hoặc cao hơn Phần Lan trong môn đọc hiểu, toán học và khoa học, hầu hết học sinh dành hàng giờ sau giờ học ở trường và vào ngày nghỉ cuối tuần cũng như ngày nghỉ lễ trong các lớp học tư và các lò luyện thi.

Điều thú vị là, bằng chứng từ những nghiên cứu gần đây nhất cho thấy học sinh Phần Lan ít bị lo lắng và căng thẳng thần kinh hơn so với học sinh các nước khác (OECD, 2004, 2007). PISA kết luận rằng chỉ 7% số học sinh Phần Lan nói các em cảm thấy lo lắng khi làm bài tập toán ở nhà, so với 52% ở Nhật Bản và 53% ở Pháp (Kupari & Välijärvi, 2005).

Nghịch lý của Phần Lan cũng có thể là như này: Kiểm tra ít hơn, Học nhiều hơn. Phần Lan nổi danh với văn hóa kiểm tra học sinh không áp lực, nơi đây không tồn tại các bài kiểm tra chuẩn dựa trên điều tra dân số trước khi học sinh trung học phổ thông tỏ ra sẵn sàng học cao hơn trong Kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia. Tuy học sinh tại Phần Lan không bị kiểm tra như học sinh ở nhiều nước khác phải thường xuyên làm các bài kiểm tra chuẩn, song điều này không có nghĩa là không có công cụ đánh giá học sinh ở Phần Lan hay không có bất kỳ dữ liệu nào về việc học của học sinh, mà hoàn toàn ngược lại. Giáo viên đánh giá học sinh vào mọi lúc.

Về nguyên tắc, có thể chia đánh giá học sinh tại Phần Lan thành ba loại hình: đánh giá trên lớp của giáo viên; đánh giá toàn diện tiến bộ của học sinh sau mỗi học kỳ; và các bài đánh giá quốc gia thường xuyên được Trung tâm Đánh giá Giáo dục Phần Lan (FINEEC) tiến hành, sử dụng phương pháp lấy mẫu khoảng 10% học sinh trong một nhóm tuổi, đo lường việc học tập của học sinh trong các môn đọc hiểu, toán, khoa học cũng như các môn học và chủ đề khác được xác định trong kế hoạch đánh giá quốc gia được chính phủ Phần Lan phê duyệt trong chu kỳ bốn năm. Các trường học không nằm trong những mẫu này có thể mua một hoặc nhiều bài kiểm tra từ FINEEC để đánh giá kết quả học tập của họ với kết quả của các trường khác.

Chơi càng nhiều, học càng nhiều

Nhiều người biết rằng Phần Lan là nơi mọi người rất coi trọng việc chơi. Hầu hết các bậc cha mẹ đồng ý rằng việc chơi ngoài trời tự do trong thời thơ ấu sẽ có lợi cho đứa trẻ hơn bất kỳ điều gì. Hầu hết giáo viên đồng ý rằng việc dạy và học tại trường tiểu học nên được xây dựng dựa trên sự tham gia tích cực của trẻ trong các hoạt động vui chơi thay vì dạy các môn khác nhau theo những cách truyền thống hơn. Nhiều trường trung học cơ sở kết hợp việc học thông qua chơi trong danh sách các phương pháp giảng dạy để thu hút học sinh hơn trong việc thử nghiệm, tìm tòi và khám phá trong chương trình dạy học.

Có một số lý do vì sao câu ngạn ngữ “chơi càng nhiều, học càng nhiều” vô cùng phù hợp với văn hóa giáo dục Phần Lan. Đầu tiên, trẻ em tại Phần Lan bắt đầu đi học chính thức muộn hơn bạn bè đồng lứa ở hầu hết các quốc gia, lúc lên bảy tuổi. Các bậc cha mẹ và nhà giáo dục Phần Lan đánh giá cao việc kéo dài tuổi thơ này, cho phép trẻ em được chơi nhiều hơn và lớn lên theo nhịp độ tự nhiên của chúng. Thứ hai, ngày học tại trường tiểu học ở Phần Lan tương đối ngắn hơn hầu hết các nước khác. Thời khóa biểu hằng ngày của trường phải bao gồm thời gian giải lao thường xuyên giữa các tiết, và tất cả các trường phải có ít nhất một tiếng mỗi ngày cho các hoạt động thể chất và chơi đùa cho mọi trẻ em. Điều này cho trẻ em thêm nhiều thời gian để chơi trong ngày. Cuối cùng, trẻ em tại Phần Lan có ít bài tập về nhà hơn so với bạn bè đồng lứa học tiểu học và trung học cơ sở ở những nơi khác. Thời gian ngoài lúc đến trường thường được xem là thời gian tự do cho trẻ chơi đùa, thực hiện sở thích, hay dành thời gian cho gia đình.

Việc chơi đùa tự do, không có hướng dẫn cho trẻ nhỏ và học tập thông qua việc chơi ở trường tiểu học và trung học được lồng ghép chặt chẽ vào công việc hằng ngày ở các trường tại Phần Lan. Chơi đùa được xem là quyền con người cơ bản của mọi đứa trẻ, và quyền đó được nêu rõ trong các quy định của quốc gia hướng dẫn hoạt động của nhà trường. Các nhà chức trách quốc gia yêu cầu việc học tập thông qua vui chơi đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy an sinh của trẻ, tương tác với người khác, và học các kỹ năng thiết yếu ở mẫu giáo và năm tiền tiểu học. Hội liên hiệp Cha mẹ Phần Lan, tổ chức xây dựng mối hợp tác quốc gia giữa gia đình và nhà trường cùng trường mầm non, tư vấn cho các bậc phụ huynh về vai trò quan trọng của việc vui chơi trong cuộc sống của trẻ.

Chương trình Giảng dạy Cốt lõi Quốc gia dành cho Chương trình Chăm sóc và Giáo dục Mầm non năm 2019 xoáy trọng tâm vào việc vui chơi, chỉ ra rằng “hiểu được tầm quan trọng và các khả năng sư phạm của việc chơi đối với trẻ trong quá trình thúc đẩy an sinh và học tập là điều thiết yếu đối với chăm sóc và giáo dục mầm non” (Cơ quan Giáo dục Quốc gia Phần Lan, 2018). Học tập thông qua chơi đùa là một phương pháp sư phạm phổ biến trong những năm đầu của giáo dục tiểu học và thường được đưa vào trong giảng dạy ở các trường trung học. Rõ ràng là trẻ em tại Phần Lan vui chơi nhiều hơn ở trong và ngoài nhà trường so với trẻ em ở các nước khác. Tóm lại, rất nhiều người Phần Lan chắc chắn rằng trẻ em chơi càng nhiều thì càng học được nhiều.

Chất lượng tốt hơn nhờ công bằng mạnh hơn

Nguyên tắc mang tính chính sách chủ đạo của cuộc cải cách nhà trường phổ thông ở Phần Lan thập niên 1970 là tạo cơ hội giáo dục bình đẳng cho tất cả mọi người. Nguyên tắc này cũng bao gồm quan điểm cho rằng thành tích học sinh nên được phân bổ đồng đều giữa các nhóm xã hội và khu vực địa lý.

Đúng là Phần Lan trong một thời gian dài từng là một đất nước đồng chủng. Tuy nhiên, kể từ khi Phần Lan gia nhập EU năm 1995 đến nay, đa dạng hóa văn hóa và chủng tộc ở Phần Lan diễn ra nhanh hơn bất cứ nước nào khác trong EU, nhất là tại các quận và trong các trường ở những thành phố lớn, nơi tỉ lệ dân số nhập cư thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai chiếm một phần tư tổng số dân. Năm 2000, ước tính khoảng 2,5% cư dân tại Phần Lan là công dân gốc nước ngoài, và đa phần trong số họ không nói bất kỳ ngôn ngữ trong nước nào (tiếng Phần Lan, Thụy Điển, hay Sami) ở nhà. Vào đầu năm 2020, con số đó đã vượt quá 8%.

Các trường học ở Phần Lan đã phải thích ứng với tình hình thay đổi này trong khoảng thời gian rất ngắn. Vào năm 2000, có khoảng 100.000 cư dân nói tiếng nước ngoài tại Phần Lan. Con số đó đã tăng lên gấp bốn lần vào năm 2020, theo Thống kê Phần Lan. Do đó, một số đô thị đã đặt ra giới hạn cho tỉ lệ học sinh nhập cư theo học ở mỗi trường để tránh sự phân biệt. Tỉ lệ trẻ em nhập cư trong các trường tiểu học và trung học cơ sở ở Helsinki là hơn 22%, và số lượng ngôn ngữ nói ở những ngôi trường này vượt quá 40. Xu hướng này thể hiện rõ ở tất cả các thành phố lớn tại Phần Lan.

Hệ thống giáo dục Phần Lan đi theo các nguyên tắc về hòa nhập và quyền được giáo dục bằng tiếng mẹ đẻ của trẻ em (trong thời gian đầu đến trường) trên phương diện đối xử với học sinh có các đặc điểm và nhu cầu khác biệt. Học sinh được xếp vào các trường như thường lệ, trừ khi có một lý do cụ thể để vào một trường khác. Do đó, trong một lớp học Phần Lan bình thường, người ta sẽ thấy thầy cô giáo dạy cho các học sinh có sự khác nhau về năng lực, mối quan tâm và nguồn gốc chủng tộc, thường có sự giúp đỡ của giáo viên trợ giảng. Đa dạng văn hóa trong xã hội Phần Lan gợi ý rằng sự khác biệt trong việc học của học sinh giữa các trường có thể trở nên lớn hơn. Dữ liệu gần đây nhất cho thấy sự chênh lệch về kết quả thực tế giữa các trường đang ngày càng lớn (Rautopuro & Juuti, 2018). Tuy nhiên, theo các so sánh quốc tế, công bằng về kết quả giáo dục vẫn vững mạnh.

(Lược trích từ “Bài học Phần Lan 3.0” do Đặng Việt Vinh và Phương Anh dịch, Phạm Văn Lam hiệu đính)

[1] Nguyên văn: “minimally invasive education” (MIE), một loại hình học tập trong đó trẻ em được học trong một môi trường ít chịu sự giám sát nhất, bắt nguồn từ một thử nghiệm của Sugata Mitra khi còn ở Công ty Đào tạo và Giáo dục Toàn cầu NIIT, Ấn Độ vào năm 1999.